Hôm trước có một bạn inbox hỏi tôi, “Anh ơi, những cách học hiệu quả trên FuSuSu ứng dụng rất tốt với những môn phổ thông. Thế còn các môn trên đại học thì sao?”
Nếu bạn biết sơ đồ tư duy, đọc nhanh, trí nhớ siêu đẳng… điều đó rất tốt, giống như là bạn có súng lục, còn người khác dùng cung. Với súng lục, bạn có thể đi săn thú dễ dàng, nhưng khó mà địch nổi xe tăng. Và các môn trên đại học, chúng bự hơn, nặng hơn, y như xe tăng. Cách học hiệu quả trên đại học cũng sẽ khác. Hãy cùng vén màn bí ẩn 5 cách sau, đã giúp tôi có ít nhất hai kỳ đạt học bổng, vài kỳ trên dưới 8.0, trong khi vẫn kiêm chức khối trưởng (bự hơn lớp trưởng) và tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa ^^!
1) Cách học hiệu quả ở Đại học #1: Từng giọt nước nhỏ, hơn bình siêu tốc
Học ở phổ thông, bạn sẽ được kiểm tra đều đặn như vắt chanh: kiểm tra miệng, kiểm tra 15’, 45’, giữa kỳ, cuối kỳ… Còn trên đại học, thường chỉ có thi giữa kỳ và cuối kì. Số lượng bài kiểm tra càng ít, không có nghĩa là bạn sẽ càng nhàn, mà thực ra là bạn sẽ không có cơ hội “gỡ điểm”, và việc ôn tập cũng không được thường xuyên. Nhiều bạn không để ý điều này, nên theo lề thói cũ cấp ba, ăn chơi nhảy múa chán chê cho cho tới lúc sắp thi mới lôi bài vở ra ôn. Mà theo nguyên lý trí quên, 80% thông tin bạn mới ôn tối qua, sẽ không cánh mà bay vào sáng hôm sau. Chắc chắn đó không phải là cách học hiệu quả. Bạn lấy bình siêu tốc, đun vài lít nước sôi, đổ hết vào tảng đá vôi. Sẽ chẳng có gì xảy ra. Nhưng từng giọt nước nhỏ, đều đặn rớt xuống tảng đá đó, trải qua thời gian… sẽ có lỗ thủng. Tương tự, kiến thức trên đại học cũng cần phải học hiểu, theo kiểu mưa dầm thấm lâu, thấm sâu. Vậy nên thật ra, sơ đồ tư duy, hay các kỹ thuật ghi nhớ, đọc nhanh… vẫn hoàn toàn dùng được. Vấn đề chỉ là thời điểm dùng mà thôi.
Nếu như ở phổ thông, một số thầy cô cấm học trước chương trình, thì ở đại học chủ động học trước lại là cách học hiệu quả nhất, và bạn càng luyện được những thói quen dưới đây sớm bao nhiêu, bạn sẽ càng nhàn bấy nhiêu: Đọc hết giáo trình một lượt, đặc biệt đọc nhiều lần phần tóm tắt các chương. Đánh dấu lại những chỗ bạn chưa hiểu. Khoanh tròn những khái niệm mới, ghi định nghĩa của chúng riêng ra một cuốn sổ tay, thậm chí học thuộc lòng. Vẽ một sơ đồ tư duy thật lớn, tóm tắt tất cả các chương, các bài lên một tờ giấy lớn, mỗi môn một tờ. Đây là “bản đồ môn học”. Trước khi tới lớp, hãy xem lại “bản đồ môn học”, mang theo một câu hỏi nào đó bạn còn băn khoăn. Các thầy cô trên đại học rất thích sinh viên chủ động, nên đừng ngại ở lại hỏi han. Đồng thời, các thầy cô thi thoảng cũng hay tiết lộ phần nào sẽ thi, hãy đánh dấu ngay nó lên “bản đồ môn học”. Còn khi về nhà, hãy dành ít phút ôn lại những gì học được ngay. Bên cạnh đó, đây là việc mà nhiều bạn hay làm vào lúc gần thi. Còn bạn sẽ làm nó ngay lúc bắt đầu môn học. Đó là ra hàng photo gần trường, mua một xập đề cương ôn thi năm trước. Nếu hàng photo chưa có, hãy Google, hoặc hỏi anh chị khóa trước. Sau đó tự làm đề cương ôn thi cho môn đó, ngay từ khi mới bắt đầu học. Tham khảo cách làm phao đặc biệt giúp tôi tóm cả cuốn sách triết lên vài trang giấy ở đây. Nếu làm đúng như vậy, bạn không chỉ thấy mình chủ động hơn, mà còn nhàn hạ hơn. Việc đến lớp lúc đó bản chất là ôn lại, đào sâu vấn đề, giải quyết những thứ chưa hiểu mà thôi. Bạn không chỉ được học lại hai lần, mà không bao giờ “bị lạc” giữa một rừng kiến thức. Chưa kể, tới lúc thi, bạn không mất thời gian làm đề cương, mà có thể ôn lại ngay!
2) Cách học hiệu quả ở Đại học #2: Đừng copy-paste, hãy Copy-write
Một thứ khác ở đại học cũng sẽ góp phần vào không nhỏ vào điểm số cuối kỳ. Đó là tiểu luận, bài báo cáo, nghiên cứu khoa học, hay là bất cứ thứ gì khiến mọi người phải lăn xả trên Google và… Copy-paste, rồi dùng mọi cách để khi in ra thì tập tài liệu càng dày càng tốt. Cách làm đó khá nguy hiểm. Hãy nhớ, trước khi chấm bài của bạn, các giảng viên đã chấm cả chục ngàn bài trước đó, không khó để họ nhận ra bạn đã copy-paste từ nguồn nào. Thậm chí đừng quên rằng họ… cũng từng là sinh viên, và cũng có thể từng copy-paste y như bạn ^^! Đồng ý là bạn không nên phát minh lại cái bánh xe, bạn có thể tham khảo ý tưởng của người đi trước. Song trừ khi bạn có hệ thống tìm kiếm như FBI thì mới ổn, chứ Google chỉ là nguồn nhỏ và thật ra không đáng tin cậy, hãy lên thư viện, hãy hỏi anh chị khóa trước, hãy tìm những tài liệu gốc hiếm có hơn, hãy tạo ra một sản phẩm chất lượng. Ngoài ra, nếu thấy ý tưởng nào đó hay, bạn đừng bao giờ copy – paste, mà hãy copy – write. Tức là bạn thực hiện những bước sau: Đọc tài liệu tham khảo, đánh dấu lại các ý hay trong đó. Tự viết lại, trình bày lại theo ý hiểu của bạn, có thể không “cao siêu” như tài liệu gốc, song nó dễ hiểu! Đừng quên kèm thêm cả nhận định, ý kiến riêng của bạn thì càng tốt. Với cách này, kể cả thầy cô có nhận ra ý nào đó quen quen, thì vẫn sẽ thích vì khi trình bày trong bài của bạn, nó đã được cải tiến hơn, có gì đó khác hơn so với nguyên gốc, nó có dấu ấn của bạn. Hơn nữa, khi bị hỏi xoáy một chỗ nào đó trong bài, bạn sẽ luôn giải thích được theo cách hiểu của mình. Cuối cùng, “độ dày” của tiểu luận cũng là một thứ đáng chú ý, nhiều người thường chỉnh font chữ to, giãn dòng 1.5 thậm chí double… cũng tốt, song kinh nghiệm là đừng làm dài ra, mà hãy làm sinh động hơn. Hãy thêm biểu đồ, hình minh họa, nhìn vừa sướng hơn, mà còn “dài hơn một cách tự nhiên.”
3) Cách học hiệu quả ở đại học #3: Chủ động tiên phong, là người dẫn dắt
Trên đại học có một thứ mà bạn muốn tránh cũng không được. Đó là làm việc nhóm, thuyết trình. Rất nhiều bạn sợ hai món này, mà quên rằng đó là cơ hội tuyệt vời để rèn sự tự tin, luyện nhiều kỹ năng cần thiết cho công việc sau này. Nên mỗi khi cơ hội tới, hãy nắm lấy nó! Tất nhiên, sẽ có những lúc bạn ngại, vì đó là việc bạn chưa bao giờ làm. Song đừng đổ lỗi rằng bạn không có kinh nghiệm, kinh nghiệm là gì? Là kinh qua, rồi nghiệm lại. Phải làm, phải có… kinh, thì mới nghiệm lại được. Dù thất bại, hay thành công, thì cũng đều là kinh nghiệm. Và khi thực hiện, đừng để mình bị lu mờ, hãy chọn một trong ba vị trí sau, sẽ cực kỳ có lợi cho bạn. Theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới. Nhóm trưởng: Cái này tuy khó, song sẽ luyện cho bạn cả một kho kỹ năng. Thậm chí là tất cả mọi kỹ năng, nếu như bạn có trong tay những nhóm viên lười biếng ^^! Thuyết trình: Đây là cơ hội tuyệt vời để bạn để lại dấu ấn với thầy cô, bạn bè. Đừng quên để lại email tại đây và nhận những mẹo thuyết trình đơn giản mà đẳng cấp hằng tuần. Thư ký: Tổng hợp lại tài liệu từ mọi người, biên soạn, chỉnh sửa chúng trước khi nộp, thiết kế slide. Vị trí này giúp bạn rèn luyện tư duy tổng hợp, khả năng viết lách, con mắt thiết kế. Và khi bạn lựa chọn tiên phong, lựa chọn gánh vác trách nhiệm… đừng buồn nếu người ta không theo, hoặc không ai trong nhóm tỏ ra chăm chỉ. Đó là một cơ hội, là một thử thách, giúp bạn rèn luyện bản thân mà thôi. Các bậc phụ huynh thường tự hào khoe điểm số của con ở phổ thông, chứ chẳng mấy ai khoe kết quả đại học của nó. Nên thật ra, điều quan trọng nhất ở đại học không phải là điểm số, mà là những kỹ năng bạn học được. Chính những thứ ấy mới quyết định tương lai của bạn. Nên hãy tiến lên. Hãy đi lấy… kinh, rồi nghiệm lại, bạn sẽ có kinh nghiệm!
4) Cách học hiệu quả ở Đại học #4: Đừng cầu toàn, hãy chấp nhận thương đau.
Ở phổ thông, việc học đều tất cả các môn là hoàn toàn khả thi. Tôi biết điều này, tôi đã từng đạt điểm trung bình các môn trên dưới 9.0 và biết cách học hiệu quả để làm được như vậy – Song ở đại học, việc này gần như bất khả thi, và cũng không cần thiết. Vì sao? Ở phổ thông, các môn học không nhiều. Suốt 12 năm học, quanh đi quẩn lại trên dưới 10 môn. Và chúng có sự kết nối với nhau, nếu giỏi toán Lớp 10, bạn sẽ dễ dàng giỏi toán Lớp 11, 12. Và có thể giỏi cả Lý, Hóa nữa. Nếu luyện trí nhớ tốt, bạn rất dễ chinh phục Sinh Sử Địa… Trong khi đó, chỉ với vài năm ở Đại học, bạn sẽ được học trên dưới 50 môn, rất nhiều môn chẳng liên quan tới nhau, thường cuốn chiếu trong vài ba tháng, học xong, thi luôn. Bạn có thể tham khảo một chương trình học của ngành Tài chính quốc tế – ĐH Ngoại thương ở đây chẳng hạn. Bạn sẽ thấy, các môn ở đại học được phân ra làm ba loại: Những môn đại cương Những môn chuyên ngành Những môn… chưa biết học để làm gì ^^! Đại cương là những môn nền tảng, chúng có khá nhiều nét tương đồng với các môn ở cấp ba, chỉ khác là… cuốn giáo trình nặng gấp ba lần mà thôi. Trong hai năm đầu, sẽ có rất nhiều môn đại cương, cách học hiệu quả đã được chỉ ra từ đầu, chia nhỏ, học dần dần, lấy đà từ xa, lúc thi sẽ nhảy qua dễ dàng. Môn chuyên ngành là những môn phục vụ cho công việc sau này. Đặc điểm của chúng là rất chuyên sâu, nên muốn ăn được, bạn buộc phải thực hành, làm bài tập đều đặn trong quá trình học. Chứ cuối kỳ bắt đầu mới biết mặt mũi cuốn giáo trình thế nào, toi là cái chắc. Còn các môn chưa biết học để làm gì thì… cứ học cho vui thôi. Ở Ngoại Thương ngày xưa, tôi được dạy một món rất hay, là… khiêu vũ. Lúc thi điểm cũng không tệ, nhưng giờ bật nhạc lên, thì cũng chỉ biết quay đều vòng ba. Và cho dù là môn gì, thì bạn cần phải xác định mức độ ưu tiên của nó. Như tôi ngày xưa, thì điều này được thể hiện rất rõ ở số học trình. Còn bây giờ nhiều nơi học theo tín chỉ, thì có thể khác một chút. Song cách học hiệu quả là bạn đừng cố để giỏi hết tất cả, hãy ưu tiên những môn quan trọng. Việc dành thời gian cho một môn nào đó, ngoài việc thể hiện bằng thời gian tự học thì còn được biểu hiện rõ rệt bởi… số lần điểm danh. Cá nhân tôi là khối trưởng, nên rất khó… bùng, nhưng tôi biết nhiều người sẵn sàng bỏ một môn nào đó, để học môn khác. Điều này không có gì sai, miễn là bạn nghỉ trong số tiết cho phép để không bị chú ý, và đủ điều kiện thi. Hi sinh bớt những môn không quan trọng, cũng là một cách học hiệu quả ở đại học đấy!
5) Cách học hiệu quả ở Đại học #5: Ăn con ếch và quản lý thời gian hiệu quả
Tin vui là trên đại học bạn sẽ không phải đi học thêm, học nếm. Vì riêng học hết các môn được yêu cầu trên trường cũng đủ mệt rồi. Tuy thế, chắc chắn bạn sẽ có nhiều thời gian tự do hơn, có nhiều cơ hội đi chơi, giao lưu, tham gia nhiều hoạt động hơn. Chưa kể bây giờ nhiều nơi áp dụng chế độ học tín chỉ, bạn lại càng có quyền tự do lựa chọn lịch học của mình. Nhưng như thế cũng có nghĩa là việc quản lý thời gian cũng cần tốt hơn, để không bị quá căng thẳng, hoặc… bị cuốn vào vòng xoáy “học lại”, “thi lại” như cơm bữa đối với nhiều người. Mỗi lần học lại, thi lại ở đại học không chỉ tốn thời gian, mà còn… tốn tiền nữa. Quản lý thời gian hiệu quả là một câu chuyện dài, song có thể tóm gọn lại bằng ba thói quen cốt lõi sau đây. Đầu tiên là ngoài lịch học ở trường cố định ra, hãy xây dựng riêng một thời gian biểu ngoài giờ. Trên đó hãy sắp xếp tất cả những gì bạn định làm: ôn lại bài, làm đề cương sớm, hoạt động ngoại khóa, thư giãn… rồi cố gắng tuân theo đến cùng, và có thể linh hoạt điều chỉnh từng tuần. Hai là bạn tập thói quen ghi chép thời gian. Nó sẽ giúp phát hiện ra những thời điểm lãng phí thời gian, để từ đó điều chỉnh, và dần dần lấy lại sự tập trung. Hãy tìm đọc cuốn “Ăn con ếch” của Brian Tracy (để hiệu quả trong công việc) bạn sẽ dùng nó để gối đầu giường cả đời, chắc chắn đấy! Vậy là bạn đã nắm được cách học hiệu quả rồi! Trên đây là một vài cách học hiệu quả ở đại học của tôi, nếu bạn có kinh nghiệm hay bất cứ băn khoăn gì, đừng ngại ngần chia sẻ nhé! Chúc bạn có một kỳ học thật sung sướng.
Trích nguồn từ: https://fususu.com/cach-hoc-hieu-qua/