Có nhiều bạn học sinh, thời đi học gặp mắc phải một khó khăn, đó là chưa thể sắp xếp thời gian biểu cho hợp lý. Bên cạnh đó, có những bạn không chỉ lịch học ở trường đã dày đặc, mà lịch học thêm cũng chi chít, thành ra luôn cảm thấy không có đủ thời gian, dẫn đến gặp áp lực mỗi ngày. Dĩ nhiên, đi học thì ai cũng mong muốn mình học giỏi, và được điểm cao. Thế nhưng, trước áp lực của việc lịch học nhiều, cộng thêm nhiều việc khác nữa, việc làm sao để sắp xếp thời gian biểu khi học là điều không hề dễ dàng.
Trong bài viết Làm thế nào để tập trung khi học, bạn có thể thấy rằng sự khác biệt giữa học sinh giỏi và học sinh kém nằm ở việc họ học có hiệu quả hay là không. Cách sắp xếp thời gian biểu khi học cũng thế, đòi hỏi bạn phải biết dùng thời gian cho việc học một cách hiệu quả, chứ không phải là bạn học nhiều hay học ít. Vậy nên, bài viết này sẽ chỉ ra một vài mẹo nhỏ để giúp bạn dùng thời gian học sao cho hiệu quả.
Công thức 4U Đây là một công thức mà có lẽ nhiều bạn không còn xa lạ gì nữa, có nhiều sách báo và bài viết đều đưa ra (Bạn có thể tìm đọc ở chương 15, sách Tôi Tài Giỏi Bạn Cũng Thế).
Công thức này tóm tắt như sau: Thời gian mà mọi người dành ra hàng ngày, thường chia thành 4 loại, đó là U1, U2, U3, U4, đặc điểm các loại đó là:
U1: Là những việc khẩn cấp, hướng đến mục tiêu
U2: Là những việc không khẩn cấp, hướng đến mục tiêu
U3: Là những việc khẩn cấp, không hướng đến mục tiêu
U4: Là những việc không khẩn cấp, không hướng đến mục tiêu
Thông thường, học sinh kém hay dành nhiều thời gian cho việc U1 (khoảng 50%) như làm bài tập nộp gấp ngày mai, nước đến chân mới nhảy, sát ngày thi mới ôn bài… hay như U3 (khoảng 30%) như trả lời tin nhắn khi học, bạn bè gọi đi chơi,..cũng như mất thời gian vào việc U4 (khoảng 15%) như lướt Facebook, xem các clip giải trí trên Youtube,..và chỉ dành cho việc U2 khoảng 5%. Tuy nhiên, bí quyết của học sinh giỏi lại là tập trung thật nhiều vào việc U2 (60%), chẳng hạn như chuẩn bị bài từ sớm, lên kế hoạch học tập hiệu quả từ trước,..một chút cho U1 (20%) và dành rất ít cho U3 (15%) cũng như U4 (chỉ 5%).
Chính vì lẽ đó, để sắp xếp thời gian học tập hiệu quả, bạn cần thực hiện theo những bí quyết như sau:
1. Việc gì chắc chắn phải làm, hãy làm càng sớm càng tốt
Giả sử hôm nay là thứ ba, sau một ngày học ở trường về nhà, ít nhiều bạn cũng sẽ có bài tập trong ngày. Nhưng bạn nhìn lên lịch thứ tư, cũng có cả bài tập mai thầy cô kiểm tra mà bạn chưa hoàn tất. Vậy bạn sẽ làm bài tập của ngày thứ ba, hay là thứ tư? Dĩ nhiên, phần lớn học sinh sẽ làm bài tập của ngày thứ tư. Câu hỏi đặt ra, vậy khi nào bạn sẽ hoàn thành bài tập của ngày thứ ba? Có thể câu trả lời sẽ là thứ hai tuần sau. Cách sắp xếp thời gian như này có một số điều không ổn. Nếu bạn học bài của thứ tư, vì bạn phải hoàn tất các bài tập, trong khi buổi tối về học cũng mệt mỏi, thành ra bạn phải học trong áp lực và mệt mỏi. Chưa kể, vì bài tập đó bạn học từ thứ tư tuần trước, sau một tuần không động vào sách vở, đa phần kiến thức bạn đã quên. Vì lẽ đó, việc bạn học bỗng trở nên không hiệu quả. Chính vì thế, hãy tập một thói quen mới, sau mỗi buổi học, bạn hãy dành thời gian giải quyết hết mọi bài tập của hôm đó, trước khi chuyển sang ôn bài cho ngày hôm sau. Những việc chắc chắn bạn phải làm, hãy làm càng sớm càng tốt. Khi hình thành thói quen này, bạn sẽ nhận ra một điều mình làm rất thong thả, không bị áp lực. Chưa kể, nếu bài nào khó hoặc bạn không hiểu, bạn còn có thời gian dư dả để tìm kiếm thêm thông tin, hoặc hỏi bạn bè mình. Trong trường hợp ngày hôm sau bạn có quá nhiều bài, thì cũng nên dành ra ít nhất 30 phút đến 01 giờ để học bài hôm nay, cũng như ôn tập lại kiến thức. Như thế, lúc nào bạn cũng trong trạng thái thoải mái và lỡ nếu như hôm đó bạn có lịch đột xuất phát sinh, chẳng hạn như đi sinh nhật bạn, hoặc có sự cố như mất điện,..bạn sẽ không phải lo lắng vì bài tập này mình đã giải quyết từ tuần trước rồi. Thật thú vị phải không?
2. Coi những trò giải trí như là phần thưởng
Có một thực tế như này: những học sinh giỏi, họ có thời gian để làm rất nhiều việc. Từ việc tham gia ngoại khóa, cho đến thể thao, và cả thời gian dùng mạng xã hội, hay chơi game,… Việc đó hoàn toàn có thể. Những việc ngoài việc học, thực ra nó đều có tác dụng tốt hết, chẳng hạn chơi game, đá bóng, xem clip giải trí,.. Nhưng làm sao để sắp xếp thời gian cho những việc đó, mà vẫn không bị ảnh hưởng. Câu trả lời là hãy coi đó như là phần thưởng. Nhiều học sinh kém sẽ dùng thời gian như sau: vì không biết sắp xếp thời gian học, nên họ ưu tiên chơi trước, chẳng hạn chơi game để có cảm hứng, hoặc trước khi ngồi học, họ phải vào mạng xã hội, đọc tin tức,… Đến lúc định học thì lại thấy mệt mệt, và thấy nhiều bài vở, thành ra là chán học. Tuy nhiên, nếu bạn coi đó là phần thưởng, thì hãy luôn ưu tiên việc quan trọng trước, chẳng hạn giải quyết hết bài tập. Sau khi làm xong rồi thì mới tới thời gian để chơi game chẳng hạn. Hoặc là bạn xếp lịch chơi của mình vào cuối tuần, đó là phần thưởng cho cả một tuần mình đã thật nỗ lực. Khi bạn coi những trò giải trí như là phần thưởng và ưu tiên việc quan trọng trước, bạn sẽ nhận ra một điều sau mỗi lần học xong, hoặc sau cả tuần học chăm chỉ nỗ lực, bạn được thưởng bằng việc giải trí. Bộ não của bạn sẽ được nhận một thông điệp, đó là cứ học đi, cứ làm việc quan trọng đi, làm xong sẽ có phần thưởng. Như thế, bạn học vừa hiệu quả mà vẫn có thời gian để làm việc khác.
3. Học cách nói không với những điều không quan trọng
Một ngày ai cũng chỉ có 24 giờ, giả sử bạn ngủ mất 7 tiếng, ngồi học trên lớp mất nguyên buổi sáng khoảng 5 tiếng, học buổi chiều 3 tiếng, thời gian sinh hoạt 1 tiếng, như thế đã hết khoảng 16 tiếng, và bạn không còn nhiều thời gian. Bạn sẽ không có đủ thời gian để làm hết tất cả mọi thứ, nhưng bạn sẽ luôn có đủ thời gian để làm những việc quan trọng nhất. Và để làm được điều đó, bạn buộc phải học cách nói không với một số việc không quan trọng. Nếu ngày mai bạn có bài kiểm tra, tối nay hãy nói không với việc vào mạng xã hội. Nếu hè này bạn có một kì thi chuyển cấp quan trọng, hãy nói không với việc xem World Cup hay Euro. Nếu bạn đang rất tập trung học, hãy nói không với việc chat chit hay sử dụng bất kì thiết bị nào có thể làm bạn gián đoạn việc học Nếu bạn cần thời gian để tập trung học thật giỏi một môn nào đó, hãy nói không với bộ phim truyền hình bạn rất thích. Nếu bạn muốn tranh thủ về nhà để học một môn ngoại khóa, hãy nói không với việc đi chơi la cà cùng bạn bè sau giờ học. Dĩ nhiên, việc nói không là không hề dễ, trong một số tình huống nó đòi hỏi bạn phải can đảm và rất quyết tâm, nhất là khi bạn phải nói không với bạn bè hoặc người thân. Tuy nhiên, khi thực hiện nhiều rồi thì bạn sẽ thấy nó không hề khó như bạn nghĩ. Bên cạnh đó, có một lưu ý nhỏ là bạn cần phân biệt thật rõ việc gì là quan trọng và việc gì là không quan trọng, để có thể biết cách nói không. Chẳng hạn, việc ngủ đủ giấc là quan trọng để bạn có một sức khỏe tốt, bạn không nên nói không để dành thời gian học. Việc dành thời gian chất lượng cho gia đình là quan trọng để cả nhà bạn hạnh phúc, bạn cũng không nên nói không chỉ để thực hiện mục tiêu của mình. Việc sắp xếp lịch đi chơi với bạn bè cũng tương tự, nó đòi hỏi bạn cần lên lịch từ trước để tránh sự mất cân bằng. Trên đây là một vài giải pháp giúp bạn biết cách sắp xếp thời gian biểu giúp việc học trở lên hiệu quả. Chúc các bạn luôn sắp xếp thời gian thật tốt.
Trainer Đỗ Việt Cường
Xem bản gốc tại: https://books.tgm.vn/lam-sao-de-sap-xep-thoi-gian-bieu-khi-hoc/