KỸ NĂNG GIẢI TỎA STRESS, CÂN BẰNG HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG KHÁC

Stress là gì? 

Stress là phản ứng của cơ thể cho thấy hệ thần kinh đang ở trong tình trạng căng thẳng. Tác dụng của stress là báo động sự quá tải của hệ thần kinh cũng như của cơ thể để cơ thể có những phản ứng lấy lại cân bằng. Tự bản thân nó, stress không gây hại mà nó như là một trong số cơ chế bảo vệ chúng ta, nhắc chúng ta phải nghỉ ngơi. Một cách tự nhiên, stress có tính chu kỳ đối với mỗi người và thông thường là cơ thể tự vượt qua nếu chúng ta không dồn thêm áp lực. Vấn đề là chúng ta ít khi chịu lắng nghe tiếng nói của cơ thể. Vì chúng ta không biết cách hoặc không chịu chăm sóc đúng cách khi bị stress, stress càng lan tỏa và tăng nặng thêm, có khi dẫn đến trầm cảm.

Các dấu hiệu có thể nhận thấy stress: mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, đau dạ dày, buồn nôn, chán ăn hoặc ăn nhiều hơn, nổi mề đay, bị bệnh thông thường nhưng chữa lâu hết, mất hứng thú với các hoạt động, cáu gắt, lo lắng, mất tập trung, trở nên trì trệ,…Các triệu chứng này đến hoặc đột ngột rất nặng hoặc nhẹ nhưng kéo dài liên tục, không rõ nguyên nhân về thể chất.

Đối với các bạn sinh viên, một số nguyên nhân chung có thể gây stress đó là: do áp lực học tập, thi cử, các đợt thực tập, phải thích nghi với môi trường khác với thời học sinh, phải chủ động nhiều hơn trong học tập và các mặt của đời sống, tính cạnh tranh cao hơn, …

Giải tỏa stress là kỹ thuật giúp cơ thể vượt qua stress, lấy lại sự cân bằng của cơ thể, giúp hệ thần kinh khôi phục năng suất tư duy. Giải tỏa stress không có nghĩa là phá bỏ stress, mà đó là một chu trình vệ sinh tâm thần gọi là quản lý stress, bao gồm hiểu biết về stress, ngăn ngừa stress, nhận biết stress và tự chăm sóc khi bị stress.

Một kỹ năng quan trọng để ngăn ngừa và vượt qua stress, đó là biết cách sắp xếp hợp lý, cân bằng các hoạt động trong cuộc sống. Thế nào là hợp lý và cân bằng? Đó là khi bạn làm chủ và điều khiển được các hoạt động theo thứ tự ưu tiên về mục tiêu, tầm quan trọng, thời gian, nội dung, phương pháp. Đối với sinh viên, dĩ nhiên học tập hiệu quả là mục tiêu hàng đầu, bên cạnh đó là hoạt động thể dục thể thao, đi làm thêm, tham gia đội nhóm, giao lưu, một số nhiệm vụ với gia đình, và, chăm sóc cho tình yêu.

 

Làm chủ stress có thể giúp bạn:

  • Sống khỏe mạnh, yêu bản thân.
  •  Có hứng thú và mục tiêu làm việc.
  •  Năng suất tư duy đạt hiệu quả, đỡ bị mất thời gian.
  •  Có sự linh hoạt để áp dụng các kỹ năng khác cho các hoạt động.
  •  Duy trì tốt các mối quan hệ.

Giải toả stress giúp bạn: 

  • Chủ động tiến hành công việc, ngăn ngừa sự quá tải.
  •  Làm việc có mục tiêu rõ ràng, tránh bị mất phương hướng.
  • Duy trì tốt các mối quan hệ.
  • Có thời gian chăm sóc bản thân.
  • Các công việc được hoàn thành tốt, bạn sẽ đánh giá cao bản thân.
  • Góp phần lớn thúc đẩy sự tự tin.

Làm thế nào để làm chủ được stress – cân bằng cuộc sống? 

  • Đặt mục tiêu vừa sức, phù hợp thực tế (xem thêm Chuyên đề 8: Kỹ năng xác lập mục tiêu và tạo động lực học tập)
  • Quản lý thời gian: lập kế hoạch cho năm, quý, tháng, tuần; lập thời gian biểu cho ngày. Làm việc, sinh hoạt, nghỉ ngơi theo thời gian biểu đã lập
  • Làm ngay những việc phát sinh có thể làm được, tránh để dồn việc.

Kỹ năng quản lý stress:

 

- Ngăn ngừa stress:

  • Có chế độ dinh dưỡng cân bằng, đủ vitamin.
  • Bảo đảm giấc ngủ.
  • Chọn chơi một môn thể thao hoặc tập thể dục điều độ.
  • Dành thời gian cho giải trí, gặp gỡ bạn bè.
  • Tập làm chủ cảm xúc, hướng suy nghĩ đến những điều tích cực.

 

  • Dự đoán trước những thời điểm có thể gây căng thẳng: thi cử, thực tập, 

- Nhận biết stress:

 

  • Không phớt lờ những triệu chứng khác lạ của cơ thể.
  • Chấp nhận stress, xem stress như một phản ứng mang tác dụng tích cực.

- Tự chăm sóc để giải tỏa stress:

  • Hạn chế thức uống có cồn. Bia rượu có thể đem lại cảm giác như giải tỏa được stress, nhưng lạm dụng chúng là một sự tàn phá sức khỏe.
  • Có chế độ nghỉ ngơi, giải trí hợp lý.
  • Tiếp tục vận dụng kỹ thuật làm chủ cảm xúc, hướng suy nghĩ đến những điều tích cực.
  • Hạn chế phạm vi ảnh hưởng của vấn đề gây căng thẳng.
  • Tìm người tin tưởng để trò chuyện.

 Kỹ năng cân bằng các hoạt động trong cuộc sống:

  • Xác định rõ mức độ quan trọng của từng loại hoạt động đối với bản thân, biết chọn lọc hoạt động phù hợp. Muốn vậy, phải nhận thức rõ bản thân (biết mình muốn gì, cần gì, định hướng tương lai,…)
  • Căn cứ trên thời khóa biểu và kế hoạch, tự nhắc việc để làm.
  • Sử dụng tối đa các tính năng của phương tiện kỹ thuật (máy tính, điện thoại,…) cho sự hoàn thành công việc.
  • Linh hoạt giải quyết vấn đề nhưng không dễ dàng thay đổi mục tiêu.
  • Đối với những hoạt động tập thể, biết phân công hợp lý.
  • Biết từ chối khi thấy lời đề nghị không phù hợp.

Trích "Cẩm nang những kỹ năng thực hành xã hội cần thiết cho sinh viên" - Nhà Xuất Bản Trẻ 2010