Thường xuyên quên từ mới mỗi khi học tiếng anh – làm sao để khắc phục

Một tình huống nghe có vẻ rất quen thuộc với tất cả chúng ta mỗi khi học tiếng Anh đó là: hôm nay bạn lên kế hoạch và học thuộc 15 từ mới, có thể buổi chiều bạn vẫn nhớ như in từng chữ, từng từ nhưng qua đến ngày hôm sau số từ vựng vơi đi một nửa, rồi nhiều ngày sau đó bạn bắt đầu quên gần như hoàn toàn nếu không ôn lại.

Bạn có biết chúng ta thường quên 65% từ mới mỗi ngày. Nhưng đó hoàn toàn là điều bình thường, không phải do bạn yếu kém hơn người khác hay não của bạn có vấn đề.

Các nghiên cứu cho thấy rằng: với một lượng thông tin cần ghi nhớ, sau 24h, não bộ của chúng ta chỉ còn lưu giữ khoảng 33,7 % lượng kiến thức ban đầu. Sau 1 tháng, tỷ lệ ấy chỉ còn là 21%. Điều này giải thích tại sao hôm nay bạn có thuộc bài đến mấy thì vài ngày sau bạn có thể quên một phần hoặc “quên sạch” hoàn toàn.

Vậy làm cách nào để khắc phục điều này? Làm sao để có thể ghi nhớ lâu hơn? Lời giải đáp sẽ có trong bài viết dưới đây:

Nhiều người biết rằng con người có trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn, nhưng thực chất có tới 3 loại trí nhớ khác nhau bao gồm:

  • Trí nhớ tạm thời (sensory memory)
  • Trí nhớ ngắn hạn (working memory/short-term memory)
  • Trí nhớ dài hạn (long-term memory)

Khi bạn muốn ghi nhớ một từ mới nào đó, đầu tiên vùng não lưu giữ trí nhớ tạm thời của bạn sẽ nhận thức từ mới này. Sau đó, khi bạn học tập có thể bằng cách đọc lại nhiều lần, viết từ mới ra giấy nhiều lần hoặc bất kì cách nào khác, trí nhớ ngắn hạn của bạn đã lưu giữ từ mới này. Bạn tưởng thế là đã xong! Kết thúc từ vựng đầu tiên và bắt đầu nhảy sang các từ tiếp theo.

Nếu bạn chỉ dừng ở những bước này, bạn sẽ quên từ mới rất nhanh sau đó. Trừ khi bạn là người có trí nhớ siêu phàm, hay nói cách khác “bạn là một siêu nhân” thì bạn mới có thể in sâu nó trong tâm trí.

Nhưng bạn biết đấy, hầu hết chúng ta chỉ là người thường và bộ nhớ cũng hoàn toàn bình thường. Do đó, để lưu giữ bất cứ thứ gì lâu dài bạn cần phải chuyển những thông tin đó sang vùng trí nhớ dài hạn. 

Mặc dù có vẻ chúng ta vẫn quên đi mỗi ngày, nhưng dường như trí nhớ dài hạn bị mai một rất ít qua thời gian. Trí nhớ dài hạn có thể lưu trữ lượng thông tin vô hạn, trong thời gian vô hạn. Chính vì thế, để nhớ lâu từ vựng, bạn nhất thiết phải chuyển từ vựng từ trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn.

Làm sao để chuyển từ vựng từ trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn?

Để chuyển một kiến thức từ trí nhớ ngắn hạn sang dài hạn rất đơn giản nhưng cũng cực kì khó khăn. Nghe có vẻ “ngược đời” nhưng nó hẳn nhiên là như vậy.

Nếu bạn muốn đưa một thông tin vào vùng trí nhớ dài hạn bạn chỉ cần lặp lại thông tin đó nhiều lần hoặc gắn nó với những gì có ý nghĩa, có ấn tượng sâu sắc.

“Sự lặp lại” vô cùng đơn giản ai cũng có thể làm được. Tuy nhiên “duy trì sự lặp lại thường xuyên” là điều không phải ai cũng hoàn thành xuất sắc.

Cụ thể là thế này, “Elevator” có nghĩa là thang máy, để ghi nhớ từ này thật lâu, bạn phải tạo điều kiện để tương tác với nó thường xuyên. Không chỉ và việc bạn đọc lại hay viết lại từ mới này mỗi ngày mà bạn phải thực hành ghi nhớ nó mỗi khi có điều kiện. Chẳng hạn, mỗi khi vào thang máy bạn hãy liên tưởng ngay tới từ “Elevator”. Ngoài ra, bạn có thể lên mạng tra cứu để search những thông tin nổi bật về lịch sử ra đời của thang máy hoặc tìm hiểu nguyên lí hoạt động của nó, chắc chắn trí nhớ dài hạn của bạn sẽ gắn từ mới này vào vùng ký ức sâu.

Tại sao những người giỏi tiếng anh có vốn từ vựng rất phong phú là vì họ thường xuyên luyện tập, lặp lại các từ vựng ấy mỗi khi tiếp xúc với bài tập, nói chuyện với người nước ngoài hoặc thậm chí là nói chuyện với chính bản thân mình khi không có “đối tác” bên cạnh.

Để giúp tiết kiệm thời gian và dễ dàng học tập, bạn có thể sử dụng những “phương tiện hỗ trợ” rất hữu ích hiện nay như là bộ thẻ từ vựng (flascards) hay các ứng dụng học tiếng anh online.

Kết luận:

Điều quan trọng nhất để học tự vựng hiệu quả và nhớ lâu là ÔN TẬP THƯỜNG XUYÊN VÀ HIỆU QUẢ. Đây là việc đơn giản, không có gì cao siêu, ai cũng có thể thực hiện được. Việc ôn tập thường xuyên sẽ giúp cho não gợi nhớ lại những thông tin đã có – nhằm củng cố trí nhớ dài hạn.

Trích nguồn: http://sieutrinao.com