(TTO) - Đây là thông tin được Bộ GD-ĐT công bố tại hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng 2020 sáng 8-5.
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thu Thủy - quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - cho biết công tác tuyển sinh năm 2020 có thể kéo dài đến 28-2-2021.
Bên cạnh đó, quy chế tuyển sinh 2020 có một số điểm mới về việc tổ chức thi riêng, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhóm ngành sư phạm, sức khỏe được quy định chung cho các hình thức và loại hình đào tạo, không công bố trúng tuyển trước khi tốt nghiệp THPT.
Cũng theo bà Thủy, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, năm nay bộ quy định rõ với những ngành có số lượng thí sinh trúng tuyển ít, không thể mở ngành, trường cần phải thông báo cho các bộ phận liên quan giải quyết, không nâng điểm chuẩn để đánh rớt thí sinh như năm 2019.
Liên quan đến tuyển sinh năm 2020, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ có nhiều lưu ý với các trường.
Đối với việc tổ chức thi tuyển sinh riêng, ông Nhạ yêu cầu các trường cần cân nhắc và nghiên cứu kỹ các điều kiện cần và đủ để thi riêng, tránh gây hoang mang dư luận vì nghĩ có đến hàng chục kỳ thi tuyển sinh khác nhau.
"Tự chủ phải có lộ trình chứ không phải muốn làm gì thì làm, phải có sự kiểm soát chất lượng. Thi phải có quy chế, đội ngũ, ngân hàng đề… để đảm bảo tính khách quan, công bằng và minh bạch chứ không phải nói thi là thi. Các trường cần phải trăn trở về trách nhiệm của mình với xã hội, đất nước trong giai đoạn này. Suốt ngày bàn về tổ hợp tuyển sinh chưa đủ. Nên quan tâm hài hòa đến cả chất lượng đào tạo" - ông Nhạ nói.
Đối với hình thức xét tuyển học bạ, ông Nhạ đề nghị các trường phân bổ chỉ tiêu phù hợp. Điểm học bạ ở các khu vực, vùng miền khác nhau nên điểm học bạ cao chưa hẳn chất lượng đã cao.
"Năm nay có phổ điểm thì sẽ đối sánh được với học bạ để thấy chất lượng đào tạo được tại địa phương, cũng như khi học sinh áp dụng kiến thức để làm bài thi thế nào. Thầy cô nào cho điểm học sinh cao vút, mà phổ điểm thi tốt nghiệp của học sinh thấp, thì nhà trường đó sẽ phải nhìn lại chính mình. Chúng ta dần dần sẽ tạo ra quy trình minh bạch, tốt hơn" - ông Nhạ nhấn mạnh.
Một điểm khác bộ trưởng nhắc nhở các trường đó là tránh đưa ra những tổ hợp lạ, gây xôn xao và hoang mang dư luận. Tổ hợp xét tuyển phải đảm bảo tính khoa học và yêu cầu của ngành đào tạo.
Minh Giảng - Ngọc Diệp (Tuổi trẻ)